Skip to content

Lập Trình Game Cơ Bản Với Pygame - Phần 2#

Trong bài hướng dẫn trước, mình đã giới thiệu khá nhiều thứ trong pygame. Trong bài hướng dẫn lần này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu những thứ cơ bản khác của pygame. Đây là những phần các bạn cần nắm để có thể làm được một game hoàn chỉnh, bao gồm: cách thêm hình ảnh vào game, tạo chuyển động trong game, bắt sự kiện,... Bây giờ chúng ta cùng bắt đầu thôi!

Một số hàm vẽ thường gặp#

Trong bài hướng dẫn trước chúng ta đã tìm hiểu kĩ cách vẽ một hình chữ nhật. Trong phần này mình sẽ giới thiệu nhanh qua những hàm vẽ thường dùng trong pygame. Thực tế, trong các game người ta ít dùng các hàm để vẽ những hình ảnh, mà người ta sẽ dùng những file ảnh để thêm vào trong game. Mình thì dùng các hàm vẽ này trong lúc test thử hoạt động của game trước khi đặt những hình ảnh vào. Ví dụ, nếu mình muốn làm game Flappy Bird thì mình sẽ vẽ con chim là hình elip trước, sau khi mọi thứ hoạt động ổn định thì mình sẽ tìm hình ảnh con chim để thay thế. Cách để thêm hình ảnh vào thì mình sẽ nói trong phần sau. Bây giờ các bạn hãy xem nhanh qua đoạn code này nhe.

import pygame, sys
from pygame.locals import *

pygame.init()

DISPLAYSURF = pygame.display.set_mode((400, 300))
pygame.display.set_caption('Draw')

# Tạo sẵn các màu sắc
BLACK = (  0,   0,   0)
WHITE = (255, 255, 255)
RED   = (255,   0,   0)
GREEN = (  0, 255,   0)
BLUE  = (  0,   0, 255)

while True:
    for event in pygame.event.get():
        if event.type == QUIT:
            pygame.quit()
            sys.exit()
    
    DISPLAYSURF.fill(WHITE)

    pygame.draw.rect(DISPLAYSURF, RED, (10, 10, 100, 50))# Hình chữ nhật
    pygame.draw.rect(DISPLAYSURF, GREEN, (150, 10, 100, 50), 2)# Hình chữ nhật rỗng
    pygame.draw.circle(DISPLAYSURF, RED, (50, 100), 20) # Hình tròn
    pygame.draw.circle(DISPLAYSURF, BLUE, (200, 100), 20, 1)# Hình tròn rỗng
    pygame.draw.ellipse(DISPLAYSURF, RED, (10, 150, 100, 50))# Hình elip
    pygame.draw.ellipse(DISPLAYSURF, GREEN, (150, 150, 100, 50), 3)# Hình elip rỗng
    pygame.draw.polygon(DISPLAYSURF, RED, ((10, 220), (150, 230), (100 ,290), (30, 270)))# Đa giác
    pygame.draw.polygon(DISPLAYSURF, BLUE, ((160, 220), (300, 230), (250 ,290), (180, 270)), 2)# Đa giác rỗng
    pygame.draw.line(DISPLAYSURF, BLACK, (300, 50), (350, 150), 4)# Đoạn thẳng

    pygame.display.update()

Đây là kết quả khi chạy đoạn code trên:

Pygame

Hàm vẽ hình chữ nhật đã được giới thiệu ở phần trước. Bây giờ chúng ta tìm hiểu các hàm vẽ khác.

Hàm này dùng để vẽ hình tròn#

pygame.draw.circle(surface, color, center, radius, width) 
  • surface là nơi để vẽ lên.
  • color là màu được vẽ.
  • center là một tuple (hoặc list) thể hiện toạ độ tâm hình tròn.
  • radius là bán kính hình tròn.
  • width là độ dày nét vẽ (tương tự hình chữ nhật).

Hàm này dùng để vẽ hình elip#

pygame.draw.ellipse(surface, color, rect, width) 
  • surface là nơi để vẽ lên.
  • color là màu để vẽ.
  • rect là một tuple (hoặc list) gồm 4 phần tử là các thông số hình chữ nhật (như đã tìm hiểu ở phần trước). Hình elip được vẽ nội tiếp hình chữ nhật đó.
  • width là độ dày nét vẽ (tương tự hình chữ nhật).

Hàm này dùng để vẽ đa giác#

pygame.draw.polygon(surface, color, points, width) 
  • surface là nơi để vẽ lên.
  • color là màu được vẽ.
  • points là tuple (hoặc list) thể hiện các đỉnh của đa giác. Mỗi đỉnh là một tuple (hoặc list) thể hiện toạ độ.
  • width là độ dày nét vẽ (tương tự hình chữ nhật).

Hàm này dùng để vẽ một đoạn thẳng#

pygame.draw.line(surface, color, start_pos, end_pos, width)
  • surface là nơi để vẽ lên.
  • color là màu được vẽ.
  • start_pos là tuple (hoặc list) thể hiện toạ độ điểm đầu của đoạn thẳng.
  • end_pos là tuple (hoặc list) thể hiện toạ độ điểm cuối của đoạn thẳng.
  • width là độ dày nét vẽ.

Các bạn lưu ý là các giá trị toạ độ hay độ dài là những số nguyên, đơn vị là pixel.

Tạo chuyển động trong game#

Sau khi tìm hiểu qua một số hàm vẽ thì chúng ta đã vẽ được vài thứ lên màn hình. Bây giờ, các bạn sẽ tìm hiểu cách làm cho các hình ảnh ấy chuyển động. Các bạn chạy thử đoạn code này nhé, mình sẽ giải thích sau.

import pygame, sys
from pygame.locals import *

WINDOWWIDTH = 400 # Chiều dài cửa sổ
WINDOWHEIGHT = 300 # Chiều cao cửa sổ

WHITE = (255, 255, 255)
RED   = (255,   0,   0)
GREEN = (  0, 255,   0)

pygame.init()

### Xác định FPS ###
FPS = 60
fpsClock = pygame.time.Clock()

DISPLAYSURF = pygame.display.set_mode((WINDOWWIDTH, WINDOWHEIGHT))
pygame.display.set_caption('Animation')

### Tạo surface và vẽ hình chiếc xe ###
car_x = 0 # Hoành độ của xe
carSurface = pygame.Surface((100, 50), SRCALPHA)
pygame.draw.polygon(carSurface, RED, ((15, 0), (65, 0), (85, 15), (100, 15), (100, 40), (0, 40), (0, 15)))
pygame.draw.circle(carSurface, GREEN, (15, 40), 10)
pygame.draw.circle(carSurface, GREEN, (85, 40), 10)


while True:
    for event in pygame.event.get():
        if event.type == QUIT:
            pygame.quit()
            sys.exit()
    
    DISPLAYSURF.fill(WHITE)
    DISPLAYSURF.blit(carSurface, (car_x, 100))

    ### Thay đổi vị trí xe ###
    car_x += 2
    if car_x + 100 > WINDOWWIDTH:
        car_x = WINDOWWIDTH - 100

    pygame.display.update()
    fpsClock.tick(FPS)

Các bạn chạy để xem kết quả nhé

Trước khi tìm hiểu những dòng code thì các bạn cần biết thêm 1 khái niệm là FPS (Frames Per Second). Hiểu theo nghĩa tiếng Việt thì FPS là số lượng khung hình trong 1 giây. Ví dụ: nếu FPS60 thì trong 1 giây sẽ có 60 khung hình xuất hiện liên tiếp. Có thể ai cũng biết vòng lặp while chạy rất nhanh, trong 1 giây sẽ lặp rất nhiều lần và tốc độ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như code trong vòng lặp, CPU... Vì thế để đảm bảo game hoạt động ổn định thì cần phải thiết lập FPS để vòng lặp game thực hiện với tốc độ nhất định. Để thiết lập FPS thì các bạn hãy chú ý những dùng dòng code sau:

Đặt 2 dòng này bên ngoài vòng lặp game, trường hợp này thì FPS60:

FPS = 60
fpsClock = pygame.time.Clock()

Đặt dòng này ở cuối vòng lặp game:

fpsClock.tick(FPS)

Các dòng code trên hoạt động thế nào thì các bạn có thể tự tìm hiểu thêm nhe!

Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu những dòng code khác.

### Tạo surface và vẽ hình chiếc xe
car_x = 0 # Hoành độ của xe
carSurface = pygame.Surface((100, 50), SRCALPHA)
pygame.draw.polygon(carSurface, RED, ((15, 0), (65, 0), (85, 15), (100, 15), (100, 40), (0, 40), (0, 15)))
pygame.draw.circle(carSurface, GREEN, (15, 40), 10)
pygame.draw.circle(carSurface, GREEN, (85, 40), 10)

Những dòng code trên dùng để tạo một surface chứa hình chiếc xe. Biến car_x là hoành độ của chiếc xe, dựa vào biến này để vẽ chiếc xe, vì thế muốn thay đổi vị trí chiếc xe thì cần phải thay đổi biến này. Biến carSurface đại diện cho surface của chiếc xe, biến này được truyền vào các hàm vẽ phía dưới. Khi tạo surface thì có một điểm khác với phần trước là có thêm tham số SRCALPHA được truyền vào. SRCALPHA dùng để xác định đây là 1 surface có đặc tính trong suốt, nếu không có tham số này thì surface sẽ có 1 nền màu đen, các bạn có thể bỏ SRCALPHA và chạy lại để thấy sự khác biệt. Các hàm phía dưới dùng để vẽ các hình lên carSurface để tạo thành chiếc xe. Qua đây có thể thấy rõ lợi ích của việc dùng surface, surface được tạo bên ngoài vòng lặp game và được vẽ sẵn lên đó, vì thế trong vòng lặp game chỉ cần thay đổi vị trí cả surface mà không cần chỉnh lại từng hình đã vẽ.

Bây giờ hãy nhìn vào bên trong vòng lặp game nhé!

DISPLAYSURF.blit(carSurface, (car_x, 100))

Dòng code trên để vẽ chiếc xe (carSurface) lên cửa sổ (DISPLAYSURF). Vị trí vẽ có hoành độ là car_x, biến này sẽ được thay đổi để tạo chuyển động cho chiếc xe. Thay đổi thế nào thì xem đoạn code bên dưới nhe!

### Thay đổi vị trí xe ###
car_x += 2
if car_x + 100 > WINDOWWIDTH:
    car_x = WINDOWWIDTH - 100

Sau mỗi vòng lặp thì hoành độ của chiếc xe tăng lên 2 pixel. Điều kiện trong if để cho chiếc xe không chạy ra ngoài màn hình, khi phần đầu của xe ra khỏi màn hình thì vẽ chiếc xe sát lại lề bên phải. Vậy là có thể tạo ra chuyển động cho chiếc xe rồi. Đơn giản quá đúng không nhỉ!!

Sẵn đây mình cũng sẽ giới thiệu cho các bạn cách dùng class cho đoạn code chiếc xe. Việc dùng class sẽ giúp quản lý các đối tượng trong game dễ dàng hơn. Các bạn chạy thử đoạn code này nhe. Kết quả chạy thì cũng như trên thôi.

import pygame, sys
from pygame.locals import *

WINDOWWIDTH = 400 # Chiều dài cửa sổ
WINDOWHEIGHT = 300 # Chiều cao cửa sổ

WHITE = (255, 255, 255)
RED   = (255,   0,   0)
GREEN = (  0, 255,   0)

pygame.init()

### Xác định FPS ###
FPS = 60
fpsClock = pygame.time.Clock()

DISPLAYSURF = pygame.display.set_mode((WINDOWWIDTH, WINDOWHEIGHT))
pygame.display.set_caption('Animation')

class Car():
    def __init__(self):
        self.x = 0 # Vị trí của xe

        ## Tạo surface và vẽ hình chiếc xe lên đó ##
        self.surface = pygame.Surface((100, 50), SRCALPHA)
        pygame.draw.polygon(self.surface, RED, ((15, 0), (65, 0), (85, 15), (100, 15), (100, 40), (0, 40), (0, 15)))
        pygame.draw.circle(self.surface, GREEN, (15, 40), 10)
        pygame.draw.circle(self.surface, GREEN, (85, 40), 10)
    
    def draw(self): # Hàm dùng để vẽ xe
        DISPLAYSURF.blit(self.surface, (self.x, 100))

    def update(self): # Hàm dùng để thay đổi vị trí xe
        car_x += 2
        if car_x + 100 > WINDOWWIDTH:
            car_x = WINDOWWIDTH - 100

car = Car()
while True:
    for event in pygame.event.get():
        if event.type == QUIT:
            pygame.quit()
            sys.exit()
    
    DISPLAYSURF.fill(WHITE)
    
    car.draw()
    car.update()

    pygame.display.update()
    fpsClock.tick(FPS)
Có thể các bạn dễ nhận ra vị trí của xe (self.x) và suface của xe (self.surface) được tạo trong hàm khởi tạo __init__. Có 2 hàm là drawupdate có tác dụng là vẽ và thay đổi vị trí của xe. Đây cũng là cấu trúc cơ bản của một đối tượng khi lập trình game. Tất nhiên là những đối tượng khác nhau có thể có những cấu trúc khác hơn, có những hàm đặc biệt hơn.

Vẽ chữ#

Phần này cũng không quá phức tạp nên mình sẽ lướt nhanh nhé! Các bạn hãy chạy thử đoạn code và xem kết quả.

import pygame, sys
from pygame.locals import *

WINDOWWIDTH = 400
WINDOWHEIGHT = 300

WHITE = (255, 255, 255)
RED   = (255,   0,   0)
GREEN = (  0, 255,   0)

pygame.init()

FPS = 60
fpsClock = pygame.time.Clock()

DISPLAYSURF = pygame.display.set_mode((WINDOWWIDTH, WINDOWHEIGHT))
pygame.display.set_caption('Text')

font = pygame.font.SysFont('consolas', 30)
textSurface = font.render('Hello world!', True, GREEN, RED)

while True:
    for event in pygame.event.get():
        if event.type == QUIT:
            pygame.quit()
            sys.exit()
    
    DISPLAYSURF.fill(WHITE)
    DISPLAYSURF.blit(textSurface, (50, 100))

    pygame.display.update()
    fpsClock.tick(FPS)

Trước tiên cần phải xác định font chữ cần vẽ. Dòng dưới đây để tạo font chữ:

font = pygame.font.SysFont('consolas', 30)

Biến font dùng để đại diện cho font chữ đó, font được dùng là consolas, size chữ là 30.

Tiếp đến là tạo một suface và vẽ chữ lên đó. Dòng dưới này có nhiệm vụ đó:

textSurface = font.render('Hello world!', True, GREEN, RED)

Tham số Hello world! là chữ cần vẽ. Tham số thứ 2 là True, cái này gọi là antialias, nếu giải thích kĩ thì khá dài dòng, hiểu đơn giản là nó sẽ làm "mềm" nét vẽ, các bạn có thể thử đổi thành False rồi chạy lại, kết quả cũng không quá khác biệt đâu. Tham số thứ 3 là màu chữ, ở đây là màu xanh. Tham số cuối là màu nền, ở đây là màu đỏ. Nếu không truyền vào tham số cuối thì chữ sẽ không có màu nền, các bạn có thể thử bỏ nó rồi chạy lại thử.

Thêm hình ảnh#

Trước giờ chúng là chỉ tạo ra những surface rồi vẽ hình lên đó. Tuy nhiên, có những hình phức tạp (một con mario chẳng hạn) thì không thể dùng các hàm để vẽ được, hoặc nếu vẽ được thì rất là phức tạp. Vì thế, người ta phải dùng những file hình ảnh có sẵn để thêm vào trong game. Nào, bây giờ hãy tìm hiểu cách để thêm hình ảnh vào. Để cho đơn giản thì mình sẽ dùng phần code chiếc xe ở phần trước. Mình sẽ thêm hình ảnh chiếc xe vào để thay thế cho các hàm vẽ.

Trước hết chúng ta sẽ tìm hình 1 chiếc xe trước. Hình này mình lấy ở đây và có chỉnh lại cho phù hợp với kích thước (100, 50). Chúng ta sẽ lưu file ảnh với tên car.png và đặt cùng thư mục với file code.

Pygame

Nào, bây giờ chúng ta đến phần code. Các bạn hãy chạy thử đoạn code này nhe!

import pygame, sys
from pygame.locals import *

WINDOWWIDTH = 400 # Chiều dài cửa sổ
WINDOWHEIGHT = 300 # Chiều cao cửa sổ

WHITE = (255, 255, 255)
RED   = (255,   0,   0)
GREEN = (  0, 255,   0)

pygame.init()

### Xác định FPS ###
FPS = 60
fpsClock = pygame.time.Clock()

DISPLAYSURF = pygame.display.set_mode((WINDOWWIDTH, WINDOWHEIGHT))
pygame.display.set_caption('Animation')

class Car():
    def __init__(self):
        self.x = 0 # Vị trí của xe

        ## Tạo surface và thêm hình chiếc xe vào ##
        self.surface = pygame.image.load('car.png')
    
    def draw(self): # Hàm dùng để vẽ xe
        DISPLAYSURF.blit(self.surface, (self.x, 100))

    def update(self): # Hàm dùng để thay đổi vị trí xe
        self.x += 2
        if self.x + 100 > WINDOWWIDTH:
            self.x = WINDOWWIDTH - 100

car = Car()
while True:
    for event in pygame.event.get():
        if event.type == QUIT:
            pygame.quit()
            sys.exit()
    
    DISPLAYSURF.fill(WHITE)
    
    car.draw()
    car.update()

    pygame.display.update()
    fpsClock.tick(FPS)

Kết quả là chiếc xe cũ đã được thay thành 1 hình khác, nhìn thú vị hơn đúng không!

Nếu để ý kĩ thì code chỉ thay đổii một chút so với đoạn code cũ. Cụ thể trong hàm khởi tạo __init__ của class Car, dòng tạo surface và các hàm vẽ được thay bằng dòng:

self.surface = pygame.image.load('car.png')

Đây là dòng để thêm hình ảnh vào pygame.image.load() có tham số truyền vào là đường dẫn đến hình ảnh, ở đây do file ảnh cùng thư mục hiện tại nên không cần đường dẫn đầy đủ. Hàm này có kết quả trả về là một surface, vì thế có thể sử dụng biến self.surface như một surface bình thường.

Sự kiện#

Một game cần phải có sự tương tác với người chơi. Tất nhiên người chơi game thích điều khiển một chiếc xe hơn là xem nó tự chạy. Vì thế, chúng ta hãy tìm cách để có thể điều khiển được chiếc xe trong đoạn code trên nhe! Ý tưởng là thế này, khi nhấn giữ phím mũi tên trái thì chiếc xe chạy sang trái, khi ấn giữ phím mũi tên phải thì chiếc xe chạy sang phải, đơn giản thế thôi!

Đoạn code sau đây sẽ thực hiện điều đó, các bạn hãy gõ vào và chạy thử nhé! À mà các bạn nhớ đặt file car.png lúc nãy vào cùng thư mục nhe!

import pygame, sys
from pygame.locals import *

WINDOWWIDTH = 400 # Chiều dài cửa sổ
WINDOWHEIGHT = 300 # Chiều cao cửa sổ

WHITE = (255, 255, 255)
RED   = (255,   0,   0)
GREEN = (  0, 255,   0)

pygame.init()

### Xác định FPS ###
FPS = 60
fpsClock = pygame.time.Clock()

DISPLAYSURF = pygame.display.set_mode((WINDOWWIDTH, WINDOWHEIGHT))
pygame.display.set_caption('Event')

class Car():
    def __init__(self):
        self.x = 100 # Vị trí của xe

        ## Tạo surface và thêm hình chiếc xe vào ##
        self.surface = pygame.image.load('car.png')
    
    def draw(self): # Hàm dùng để vẽ xe
        DISPLAYSURF.blit(self.surface, (self.x, 100))

    def update(self, moveLeft, moveRight): # Hàm dùng để thay đổi vị trí xe
        if moveLeft == True:
            self.x -= 2
        if moveRight == True:
            self.x += 2

        if self.x + 100 > WINDOWWIDTH:
            self.x = WINDOWWIDTH - 100
        if self.x < 0:
            self.x = 0

car = Car()
moveLeft = False
moveRight = False
while True:
    for event in pygame.event.get():
        if event.type == QUIT:
            pygame.quit()
            sys.exit()

        if event.type == KEYDOWN:
            if event.key == K_LEFT:
                moveLeft = True
            if event.key == K_RIGHT:
                moveRight = True
        
        if event.type == KEYUP:
            if event.key == K_LEFT:
                moveLeft = False
            if event.key == K_RIGHT:
                moveRight = False

    DISPLAYSURF.fill(WHITE)
    
    car.draw()
    car.update(moveLeft, moveRight)

    pygame.display.update()
    fpsClock.tick(FPS)

Đây là kết quả, khi ấn giữ phím mũi tên trái thì xe chạy sang trái, khi ấn giữ phím mũi tên phải thì xe chạy sang phải ( các bạn tự chạy để xem kết quả)

Phần này hơi phức tạp tí nên các bạn nhớ chú ý nhe!

Bây giờ hãy nhìn vào hàm update của class Car.

def update(self, moveLeft, moveRight): # Hàm dùng để thay đổi vị trí xe
    if moveLeft == True:
        self.x -= 2
    if moveRight == True:
        self.x += 2

    if self.x + 100 > WINDOWWIDTH:
        self.x = WINDOWWIDTH - 100
    if self.x < 0:
        self.x = 0

Có thêm 2 tham số đó là moveLeftmoveRight dùng để kiểm tra xem xe chạy sang trái, sang phải hay đứng im. Các dòng if khá đơn giản nên mình không giải thích nhiều về nó. Điều quan trọng ở đây là làm sao để điều chỉnh các tham số moveLeftmoveRight ứng với việc ấn phím mũi tên. Chúng ta hãy tìm hiểu những dòng code khác.

Có thêm 2 biến được tạo bên ngoài vòng lặp game:

moveLeft = False
moveRight = False

Đây là 2 biến tương ứng được truyền vào car.update(moveLeft, moveRight). Bây giờ, hãy chú ý đến phần bắt sự kiện bên trong vòng lặp for:

if event.type == KEYDOWN:
    if event.key == K_LEFT:
        moveLeft = True
    if event.key == K_RIGHT:
        moveRight = True

if event.type == KEYUP:
    if event.key == K_LEFT:
        moveLeft = False
    if event.key == K_RIGHT:
        moveRight = False

Dòng if event.type == KEYDOWN: để kiểm tra xem có xảy ra sự kiện KEYDOWN hay không. KEYDOWN là sự kiện xảy ra khi có 1 phím được ấn xuống. Các bạn lưu ý là sự kiện này chỉ xảy ra vào khoảnh khắc phím được ấn xuống, khi phím đang giữ thì sự kiện này không xảy ra nữa (trừ khi có phím khác được ấn). Nghe có vẻ khó hiểu đúng không, các bạn cố gắng nhe, hãy tìm hiểu thêm nhiều nguồn khác nhau để hiểu rõ hơn. Trong đoạn if đó thì có 2 dòng if nữa để kiểm tra phím được ấn là phím nào, dòng if event.key == K_LEFT: để xem phím được ấn có phải là phím mũi tên trái hay không, nếu đúng thì gán cho moveLeft = True để xe chạy sang trái, tương tự thế đối với trường hợp nhấn phím mũi tên phải.

Dòng if event.type == KEYUP: để kiểm tra xem có xảy ra sự kiện KEYUP hay không. KEYUP là sự kiện xảy ra khi có 1 phím được thả ra. Cũng tương tự như KEYDOWN, sự kiện KEYUP chỉ xảy ra vào khoảnh khắc phím được thả ra. Các đoạn if bên trong cũng tương tự phần trên. Khi phím mũi tên trái được thả ra thì moveLeft = False (xe không chạy sang trái nữa), tương tự đối với trường hợp phím mũi tên phải.

Ngoài hai sự kiện KEYDOWNKEYUP thì trong pygame còn rất nhiều sự kiện khác. Mình dùng hai sự kiện này để làm ví dụ về cách bắt sự kiện trong pygame, các sự kiện khác thì các bạn có thể tự tìm hiểu thêm hoặc mình sẽ giới thiệu trong từng bài hướng dẫn khác.

Kết#

Qua hai bài hướng dẫn, mình đã giới thiệu cho các bạn những phần cơ bản của pygame và lập trình game. Như mình đã nói từ trước, mình không thể hướng dẫn cho các bạn mọi thứ trong pygame. Điều quan trọng vẫn là khả năng tự tìm hiểu của các bạn. Trong bài hướng dẫn tiếp theo, mình sẽ cùng các bạn làm ra 1 game hoàn chỉnh.

Bạn có thể tham khảo đoạn code đầy đủ tại đây và hình ảnh car.png

Lưu ý: bạn nên cd vào thư mục chứa source code và có đầy đủ 02 file Pygame02.py & car.png để chạy, nếu không sẽ báo lỗi không tìm thấy file car.png

  • https://codelearn.io/sharing/lap-trinh-game-co-ban-voi-pygame-p2